Diễn đàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất-Kinh doanh trong Cộng đồng Pháp ngữ

"Hỗ trợ khởi nghiệp tại châu Á-Thái Bình Dương" là chủ đề của Diễn đàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất-Kinh doanh trong Cộng đồng Pháp ngữ diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội.

Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) phối hợp tổ chức và sẽ kéo dài trong 2 ngày 20-21/9. HoabinhEvents hân hạnh được phục vụ tại sự kiện.

 

Diễn đàn bao gồm nhiều phiên thảo luận với các nội dung như: sự phát triển năng động của tinh thần khởi nghiệp nữ doanh nhân tại châu Á-Thái Bình Dương; sự phát triển của doanh nghiệp trong không gian Pháp ngữ; hỗ trợ sự phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, các vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo quan khách quốc tế, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia nghiên cứu, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp như: những thách thức đối với sự phát triển tinh thần khởi nghiệp của các nữ doanh nhân; những giải pháp để cải thiện và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của nữ giới; hợp tác kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi - triển vọng nào cho sự phát triển và chiến lược mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Á-Thái Bình Dương, động lực của nền kinh tế khu vực và nguồn lực của đổi mới sáng tạo - nhu cầu tăng trưởng của các doanh nghiệp...

Khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hợp tác thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp Pháp ngữ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước châu Phi nói tiếng Pháp.

Diễn đàn được tổ chức lần này là sáng kiến của Ban kinh tế và kỹ thuật số thuộc OIF và nằm trong khuôn khổ chương trình "Thúc đẩy việc làm thông qua khởi nghiệp của phụ nữ và thanh niên." Lần đầu tiên một diễn đàn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về khởi nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ được tổ chức tại Hà Nội.

Đây cũng là dịp để các đại biểu cùng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm để từ đó đưa ra những biện pháp sáng tạo phù hợp nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư trong cộng đồng Pháp ngữ. Phụ nữ và thanh niên là hai chủ thể có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế của mỗi nước. Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ Việt Nam rất quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Ông Eric Normand Thibeault, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OIF cho biết hiện nay các quốc gia Pháp ngữ đang triển khai các chiến lược chuyển đổi kinh tế và cơ cấu để tham gia tốt hơn vào trao đổi khu vực và quốc tế. Với mục tiêu dung hòa tăng trưởng kinh tế, đấu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng, bảo vệ môi trường và gìn giữ di sản văn hóa.

Thông qua diễn đàn lần này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp xúc lẫn nhau, thiết lập mối quan hệ thương mại và đầu tư lâu dài, thông qua việc thiết lập mạng lưới các chủ thể khởi nghiệp của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Liên quan tới Chương trình "Thúc đẩy việc làm thông qua khởi nghiệp của phụ nữ và thanh niên," ông Eric cho biết mục tiêu chương trình là tập hợp và đa dạng hóa liên kết kinh tế khu vực khối các nước nói tiếng Pháp dựa vào đòn bẩy hợp tác Nam-Nam và hợp tác 3 bên.

Nhiều vấn đề cần được giải quyết như định vị khối các nước nói tiếng Pháp trong việc tái cấu trúc quản trị kinh tế và thương mại toàn cầu; trao đổi kinh tế và thương mại yếu so với sự bổ sung kinh tế giữa các quốc gia và khu vực nói tiếng Pháp; tạo chuỗi giá trị khối các nước nói tiếng Pháp trong các lĩnh vực có tiềm năng kinh tế cao và chia sẻ kinh nghiệm, thực hành tốt để cùng đầu tư và liên doanh.

Kết quả khảo sát cho thấy tại 22.000 doanh nghiệp ở 91 quốc gia vào năm 2016, những doanh nghiệp có nhiều phụ nữ hơn sẽ đem lại mức tăng 6% lợi nhuận ròng. Doanh nghiệp có tỷ lệ phụ nữ 30% trong cơ cấu nhân sự sẽ góp tăng thêm 15% doanh thu. Những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có khuynh hướng sử dụng nhiều lao động nữ. Doanh nghiệp do nữ làm chủ có các điểm mạnh về sự bền bỉ trước khó khăn, thường quan tâm đến các chính sách cho người lao động, đóng góp cho xã hội do đặc thù tính giới của nữ lãnh đạo.

Do đó, nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp thành công, các chính phủ, tổ chức cần nhận thức được những rào cản hạn chế phụ nữ tham gia khởi nghiệp và phát triển để có chính sách phù hợp, cải thiện hiệu quả các khó khăn giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công.

Luận bàn tới những đóng góp của phụ nữ trong doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Nữ doanh nhân Việt Nam trực thuộc VCCI, cho rằng tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công không dễ dàng, lại càng không dễ dàng nhất là đối với các doanh nhân nữ. Vì thế, cần những nỗ lực to lớn của cá nhân, tập thể cũng như của các chính phủ, các tổ chức có liên quan nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi và hệ sinh thái để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp.

Vượt qua được những rào cản về nhận thức, tư duy, các nữ doanh nhân vươn lên, vượt khó và gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực của mình, bà Tuyết Minh nói./.

Nguồn: vietnamplus.vn 

237 lượt xem


Hotline
Báo giá nhanhTư vấn nhanh
Hotline
ZaloMessenger
Đang xử lý...