Tết Trung thu có nguồn gốc từ quốc gia nào?
Tết Trung thu luôn là dịp lễ được tất cả mọi người, từ già đến trẻ đều mong ngóng và đón đợi. Bên cạnh sự háo hức, hân hoan về một mùa Trung thu mới đang về, vẫn sẽ có nhiều người đưa ra những thắc mắc xoay quanh câu hỏi: “Tết Trung thu có nguồn gốc từ quốc gia nào?”. Vậy việc tìm lời giải đáp về quốc gia khởi nguồn của Tết Trung thu có khó không và cho đến thời điểm hiện tại, đã có sử liệu nào giải thích chi tiết về câu hỏi này hay chưa? Ở bài viết này, hãy cùng HoaBinh Events trả lời câu hỏi thú vị này nhé.
Tết Trung thu trong văn hóa các nước
Để có thể trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc của Tết Trung thu, chúng ta cần phải hiểu rõ về ngày lễ đặc biệt này và ý nghĩa Tết Trung thu trong nền văn hóa của của mỗi quốc gia. Vì truyền thống văn hóa khác nhau, nên mỗi quốc gia đều có cho mình cơ sở và lập luận riêng để giải thích về điểm khởi đầu của Tết Trung thu. Tuy nhiên, có một điểm chung dễ nhận thấy ở các nước, đó là thời điểm diễn ra Tết Trung thu đều sẽ rơi vào khoảng thời gian giữa mùa thu, tức là ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Tùy vào phong tục của từng quốc gia mà thời gian của Tết Trung thu có thể dài ngắn khác nhau. Ở Việt Nam, Tết Trung thu chỉ kéo dài 01 ngày duy nhất là ngày rằm tháng 8 âm lịch.
Trung Quốc có phải là khởi nguồn của Tết Trung thu?
Đối với người Trung Hoa cổ đại, Tết Trung thu được cho rằng xuất hiện lần đầu tiên vào tiết xuân - thu. Thời xa xưa ở Trung Quốc vốn nổi tiếng với nền văn minh lúa nước, người nông dân có đức tin rất lớn vào thần linh và thiên nhiên. Theo quan niệm xưa, người nông dân trồng lúa nước ở Trung Quốc cho rằng ngày rằm tháng 8 Trung thu là thời điểm mùa màng bội thu, nông dân có dịp nghỉ ngơi, hưởng thụ những thành quả mình đã làm được sau quãng thời gian vất vả lao động.
Theo sử liệu của Trung Quốc ghi lại, Tết Trung thu dần trở nên phổ biến và rộng rãi hơn nhờ vào những sự tích trong dân gian, điển hình trong số đó là truyền thuyết Hậu Nghệ và Hằng Nga. Hậu Nghệ trong tiềm thức của người dân Trung Quốc được khắc họa với hình ảnh xạ thủ vĩ đại và có một người vợ xinh đẹp tuyệt trần là Hằng Nga, nhưng do bắn rơi 9/10 mặt trời - đại diện cho 9/10 người con của Ngọc Hoàng mà bị đày xuống hạ giới để sống cuộc sống con người. Cũng từ đó hai vợ chồng mất đi khả năng bất tử, điều này khiến cho Hằng Nga buồn khổ ngày đêm. Không muốn để cho vợ của mình phải đau khổ, tuyệt vọng, Hậu Nghệ quyết tâm tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử cho vợ. Cảm động trước sự nỗ lực của Hậu Nghệ, Tây Vương Mẫu đã ban cho Hậu Nghệ một viên thuốc bất tử và dặn hai vợ chồng mỗi người chỉ uống nửa viên. Khi trở về, để Hằng Nga bất ngờ với tin vui của mình, Hậu Nghệ cất viên thuốc trong hộp và dặn vợ chưa mở ra vội. Nhưng vì quá tò mò, Hằng Nga đã mở hộp và phát hiện ra viên thuốc. Khoảnh khắc đó vô tình bị Hậu Nghệ phát hiện, Hằng Nga giật mình nuốt viên thuốc vào bụng để che giấu. Ngay sau khi uống thuốc, Hằng Nga bỗng nhiên bay lơ lửng trên bầu trời. Hậu Nghệ dù vô cùng đau xót nhưng không nỡ giương cung bắn vợ rơi xuống, chỉ biết nhìn vợ từ từ bay xa dần. Kết cục của câu chuyện là Hằng Nga sống mãi trên cung trăng trong cô độc, chỉ có thỏ ngọc bầu bạn. Cũng chính từ đó, mỗi độ rằm tháng 8, khi trăng sáng nhất và to nhất, dân gian lại nhớ về câu chuyện đau lòng giữa Hậu Nghệ và Hằng Nga. Vào ngày này, người dân Trung Quốc sẽ làm lễ dưới ánh trăng để cầu bình an, hạnh phúc trọn đời.
Bên cạnh câu chuyện Hậu Nghệ - Hằng Nga, trong dân gian Trung Quốc còn truyền miệng câu chuyện về Dương Quý Phi và vua Đường Minh Hoàng. Dương Quý Phi là tuyệt sắc giai nhân thời đó, nàng được ví đẹp như tiên nữ giáng trần. Chính nhan sắc khuynh nước khuynh thành này lại khiến cho các bá quan văn võ trong triều đình lo ngại rằng vua Đường Minh Hoàng vì say mê nhan sắc Dương Quý Phi mà bỏ bê triều chính. Dưới sức ép của bá quan văn võ, vua Đường Minh Hoàng buộc phải ban tử cho Dương Quý Phi. Khi người mình yêu nhất mất đi, vua Đường Minh Hoàng ngày đêm buồn bã, nhớ thương da diết. Cảm động trước tình cảm của hai người, các nàng tiên trên trời đã mở đường cho vua Đường Minh Hoàng lên gặp Dương Quý Phi vào ngày rằm tháng 8 âm lịch - đêm trăng sáng nhất của mùa thu. Từ đó về sau, Vua Đường Minh Hoàng chọn ngày này là ngày lễ lớn của cả nước để tưởng nhớ người vợ của mình.
Với những câu chuyện cổ tích kể trên, Tết Trung thu của Trung Quốc đều khởi nguồn từ những câu chuyện buồn nhưng mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vào ngày này, ở Trung Quốc cũng diễn ra các hoạt động tương tự như ở Việt Nam như phá cỗ, trông trăng, rước đèn. Ngoài ra, có một hoạt động thú vị khác đó chính là giải đố. Trong Tết Trung thu, mọi người sẽ tham gia những cuộc thi giải đố với nhiều phần quà đặc sắc. Các câu đố được đặt trong những chiếc đèn lồng xinh xắn và thường sẽ xoay quanh chủ đề về Tết Trung thu để mọi lứa tuổi có thể tham gia trả lời và nhận thưởng.
Tết Trung thu trong suy nghĩ của người Hàn Quốc
Để có thể tìm hiểu Tết Trung thu có nguồn gốc từ quốc gia nào, chúng ta sẽ tiếp tục khám phá Tết Trung thu trong văn hóa của người Hàn Quốc. Tết Trung thu ở Hàn Quốc được gọi là Tết Chuseok. Theo quan niệm dân gian của người Hàn Quốc, Tết Trung thu có từ thời Gabae của đất nước Silla (tức là từ năm 57 trước công nguyên). Người đầu tiên tổ chức Tết Chuseok là vị vua thứ ba của đất nước Silla. Ở thời điểm đó, Tết Chuseok là cuộc thi dệt vải dành cho những người phụ nữ trong kinh thành, ai dệt được nhiều, người đó sẽ được thưởng hậu hĩnh. Tết Chuseok của Hàn Quốc cũng là thời điểm người nông dân vào mùa gặt, chính vì vậy, Chuseok trở thành khoảng thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi trong văn hóa Hàn Quốc. Ngoài ra, khác với những quốc gia khác, Tết Chuseok ở Hàn Quốc cả nước được nghỉ 3 ngày.
Trong Tết Chuseok, người dân Hàn Quốc đều sẽ trở về quê để viếng mộ tổ tiên, thăm gia đình và người thân. Vào ngày này, mọi người sẽ cùng chơi các trò chơi dân gian và múa các điệu múa truyền thống của người Hàn Quốc để thể hiện sự tôn kính với đất trời, tổ tiên.
Tết Trung thu dưới góc độ lịch sử của Nhật Bản
Để có thể tìm lời giải đáp cho câu hỏi Tết Trung thu có nguồn gốc từ quốc gia nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về ngày lễ đặc biệt này ở đất nước Nhật Bản. Là một trong những quốc gia sở hữu nền văn hóa mang đậm chất Á Đông, Nhật Bản cũng có lễ cúng trăng vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Tết Trung thu của Nhật Bản có tên gọi là Tsukimi. Theo quan niệm của người Nhật bản, Tết Tsukimi đã có mặt ở Nhật Bản từ hàng nghìn năm trước. Tết Tsukimi được bắt đầu từ thời Nara vào những năm 710, nhưng phải đến năm 794, Tết Tsukimi mới chính thức trở thành ngày lễ chính thức và phổ biến tại Nhật Bản. Theo nhiều truyền thuyết xưa, người Nhật còn tin rằng trên cung trăng có thỏ ngọc. Vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, thỏ ngọc sẽ giã bánh Tsukimi trên cung trăng.
Không giống như các quốc gia khác, Tết Trung thu ở Nhật Bản được tổ chức trang nghiêm và không quá náo nhiệt. Vào ngày này, người Nhật sẽ đi thuyền trên sông để thả hoa đăng, thưởng thức bánh truyền thống, ngắm trăng và tận hưởng cảnh sắc, tiết trời của mùa thu.
Tết Trung thu trong sử liệu của Việt Nam
Ở Việt Nam, Tết Trung thu cũng lưu lại những dấu tích để con cháu đời sau luôn ghi nhớ và giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc. Theo những câu chuyện dân gian của người xưa, Tết Trung thu bắt nguồn từ sự tích chú Cuội. Chú Cuội là một tiều phu hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng có tiếng trong vùng. Vào một ngày nọ, khi đi đốn củi, Cuội bắt gặp hình ảnh hổ mẹ cứu hổ con trong cơn nguy kịch bằng một loại lá thần. Sau khi chứng kiến sự việc, Cuội nhổ cây thần mang về nhà trồng, cũng từ đó, gia đình Cuội cứu sống được rất nhiều người trong làng. Trong một ngày Cuội đi đốn củi, vợ Cuội ở nhà bị giặc giết hại. Cuội dùng lá thần cứu được vợ nhưng bản tính của vợ Cuội không còn được như xưa. Khi Cuội vắng nhà, người vợ quên lời dặn của chồng để cây thần bay đi mất. Cuội trở về chỉ kịp bám vào thân cây nhưng không giữ được và bị cây thần kéo lên cung trăng. Từ đó về sau, mỗi độ rằm tháng 8, khi trăng to và sáng nhất, Cuội lại nhìn xuống nhân gian nơi có người vợ yêu thương của mình để bày tỏ nỗi nhớ da diết.
Bên cạnh đó, ở chùa Đọi Sơn, dấu tích về Tết Trung thu cũng được lưu lại trên các văn bia thời nhà Lý. Điều này chứng tỏ, ở thời nhà Lý, Trung thu đã được coi là dịp lễ lớn với nhiều hình ảnh đặc trưng như đua thuyền, múa rối nước và rước đèn.
Tết Trung thu thực sự bắt nguồn từ đâu?
Với những câu chuyện về khởi nguồn của Tết Trung thu ở mỗi quốc gia kể trên, có thể thấy rằng, rất khó để khẳng định chắc chắn Tết Trung thu có nguồn gốc từ quốc gia nào. Mỗi quốc gia đều có lý lẽ và những dẫn chứng dân gian của riêng mình để truyền đời cho con cháu sau này về nguồn gốc của Tết Trung thu. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng những ý nghĩa cao đẹp về tình người, tình yêu, tình cảm gia đình, gửi gắm giá trị nhân văn sâu sắc và làm giàu thêm đời sống tinh thần của mỗi người trong xã hội hiện nay.
Tết Trung thu ở quốc gia nào cũng đều mang ý nghĩa về sự đoàn tụ gia đình, biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên, từ đó gắn kết tình cảm con người với con người. Có lẽ việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi Tết Trung thu có nguồn gốc từ quốc gia nào cũng vì thế mà không còn thực sự quan trọng. Dù bạn đến từ quốc gia nào, bạn chỉ cần trân trọng những giá trị mà cha ông ta để lại qua những dấu tích lịch sử hay những câu chuyện được truyền miệng trong dân gian và nỗ lực phát huy những phong tục văn hóa cao đẹp đó đến với thế hệ trẻ sau này.
Mặc dù không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi Tết Trung thu có nguồn gốc từ quốc gia nào, nhưng hy vọng rằng bạn đã có thể có thêm nhiều kiến thức hữu ích về nguồn gốc Tết Trung thu ở mỗi quốc gia. Thời điểm Tết Trung thu đang cận kề, nếu như bạn đang có mong muốn tổ chức một chương trình Trung thu hoành tráng và ấn tượng, hãy liên hệ ngay với HoaBinh Events, chúng tôi cam kết và đảm bảo sẽ mang đến cho bạn chương trình Trung thu đáng nhớ nhất.
HOABINH EVENTS - CHẤT LƯỢNG LÀM NÊN DANH TIẾNG
Hotline: 0939.311.911 - 0918.640.988
Địa chỉ trụ sở chính: 27 - 29 Đoàn Thị Điểm, Quận Đống Đa, Thủ Đô Hà Nội
Đà Nẵng: 217 Trần Phú, Quận Hải Châu, Thành Phố Đà Nẵng
Hồ Chí Minh: 5 Hoa Cau, Phường 7, Quận Phú Nhuận, TP. HCM
Email: info@hoabinhevents.com